AI và Tổng quan tài liệu: công cụ, chiến lược và đạo đức nghiên cứu
Sáng ngày 3/3/2025, tại phòng D.509 cơ sở Đinh Tiên Hoàng, Khoa Xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG-HCM) đã tổ chức thành công sinh hoạt khoa học số 3 với chủ đề “AI và Tổng quan tài liệu: công cụ, chiến lược và đạo đức nghiên cứu” bởi diễn giả – TS. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh – Trưởng khoa Xã hội học.
(theo hcmussh)
Buổi sinh hoạt học thuật đã giới thiệu đến giảng viên, nhà nghiên cứu và người học các công cụ AI hiện nay đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong nghiên cứu và học thuật. Thông qua buổi sinh hoạt học thuật, TS. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh – Trưởng khoa Xã hội học đã cung cấp nhiều kiến thức bổ ích về một loạt các công cụ AI, điển hình như ChatGPT, Scispace, Elicit, Explainpaper. Việc ứng dụng AI trong nghiên cứu cũng được chia sẻ như: tìm kiếm tài liệu, phân tích và trích xuất thông tin, hỗ trợ viết và chỉnh sửa bài báo, dự đoán xu hướng nghiên cứu.
Điều này giúp các nhà nghiên cứu, giảng viên và người học có cái nhìn toàn diện hơn về cách thức tối ưu hóa quy trình nghiên cứu mà vẫn bảo đảm tính minh bạch và chính xác. Theo đó, việc duy trì sự cập nhật thường xuyên về các công cụ AI sẽ giúp giảng viên và sinh viên nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ vào nghiên cứu, từ đó tối ưu hóa hiệu quả công việc và đảm bảo tính chính xác trong quá trình thu thập và phân tích dữ liệu. Sử dụng AI trong nghiên cứu, nhà nghiên cứu cần hiểu rõ các nguyên tắc đạo đức, tránh việc lạm dụng công nghệ và duy trì tính minh bạch trong mọi giai đoạn nghiên cứu.
Buổi sinh hoạt khoa học đã diễn ra sôi nổi ở phần thảo luận. Các học giả, giảng viên, nhà nghiên cứu, học viên và sinh viên đã trao đổi, chia sẻ nhiều thông tin bổ ích xoay quanh nội dung sử dụng công cụ AI. Phát biểu tại buổi sinh hoạt học thuật, ThS. Hoàng Đức Bảo – Đại học Đà Nẵng rất tâm đắc với các chủ đề được nêu trong buổi học thuật, và ông cũng chia sẻ thêm về cách thức sử dụng chuyên sâu của các công cụ AI trong thời đại số. Ngoài ra, giáo sư Trần Quốc Anh tới từ Đại học Santa Clara, California, Hoa Kỳ cũng trao đổi về vai trò của AI ngày càng trở lên quan trọng hơn khi vận dụng vào nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội. Do đó, việc tổ chức một buổi sinh hoạt học thuật về việc sử dụng các công cụ AI trong bối cảnh hiện nay là việc làm có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn. Một số các nhà khoa học đến từ các Khoa như Khoa Văn hóa học, Ngôn ngữ học, Hàn Quốc học, Công tác xã hội cũng tham gia thảo luận sôi nổi. Học viên cao học và một số nghiên cứu sinh đã đặt các câu hỏi thảo luận chuyên sâu về cách thức sử dụng AI và đã được giải đáp, nhằm nắm bắt kịp thời các công cụ ứng dụng trong thời đại số.
Buổi sinh hoạt học thuật đã cung cấp nhiều kiến thức bổ ích về việc ứng dụng AI trong tổng quan tài liệu, giúp người tham dự hiểu rõ hơn về các công cụ hiện đại, chiến lược sử dụng hiệu quả và các vấn đề đạo đức liên quan. Diễn giả nhấn mạnh rằng AI chỉ là công cụ hỗ trợ, và việc sử dụng AI một cách có trách nhiệm là yếu tố then chốt để đảm bảo chất lượng nghiên cứu. Buổi học thuật đã khuyến khích giảng viên và sinh viên tiếp tục cập nhật và đào tạo về các công cụ AI trong hỗ trợ nghiên cứu, cách thức sử dụng AI trong nghiên cứu đảm bảo tuân thủ đạo đức học thuật, thúc đẩy hợp tác giữa các chuyên gia công nghệ và khoa học xã hội để phát triển các công cụ AI phù hợp với nhu cầu nghiên cứu.
Buổi sinh hoạt khoa học với thời lượng tới hơn 3 tiếng đã thành công tốt đẹp. Trước khi kết thúc buổi sinh hoạt, TS. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh đã chia sẻ và cảm ơn các giảng viên, nhà nghiên cứu cũng như các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đã nhiệt tình tham dự và hy vọng các buổi sinh hoạt khoa học tiếp theo do Khoa Xã hội học tổ chức sẽ thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm của giảng viên, sinh viên và các công chúng, nhà khoa học có quan tâm.