Kiến trúc Hà Nội: Dấu ấn di sản qua thời gian
Sáng ngày 12/1, tại đường sách TP. Hồ Chí Minh, diễn ra buổi tọa đàm mang tên “Kiến trúc Hà Nội: Dấu ấn di sản qua thời gian” đã thu hút sự tham gia của đông đảo khán giả yêu mến văn hóa và di sản đô thị.
Chương trình có sự tham gia của các diễn giả uy tín: Nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến, KTS – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA); Phó Tổng Giám đốc AA Corporation Nguyễn Chánh Phương.
Nhà báo Phúc Tiến ( ngoài cùng bên phải) và KTS Chánh Phương chia sẻ tại toạ đàm
Trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị trở thành vấn đề quan trọng trong đời sống xã hội Việt Nam. Những ký ức gắn liền với các công trình kiến trúc, không gian sinh hoạt đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa đô thị. Nếu văn hóa nông thôn gắn với thiên nhiên, thì văn hóa đô thị lại không thể tách rời các toà nhà, công trình kiến trúc, cùng sự đón nhận của người dân đối với chúng.
Với các công trình kiến trúc Pháp tại Hà Nội là một biểu hiện cho chủ đề di sản đô thị hiện nay. Nó vừa có ý nghĩa ở việc đánh dấu sự tiếp nhận tiến trình hiện đại hoá của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Sự tiếp nhận và sử dụng những toà nhà, công trình, vốn là đại diện cho chế độ thực dân, đã thay đổi để nó trở thành một phần của bản sắc thành phố, hay rộng hơn là bản sắc dân tộc.
Sự kiện còn là dịp ra mắt cuốn sách Kiến trúc Hà Nội (Phanbook và NXB Thế giới), do tác giả kiêm kiến trúc sư (KTS) Trần Quốc Bảo biên soạn. Trước đó cuốn sách đã được mắt tại Hà Nội vào ngày 6/12/2024, tại TP HCM các khách mời đã trao đổi về cách cộng đồng tiếp cận và ứng xử với di sản kiến trúc Pháp tại Hà Nội trong bối cảnh hiện đại. Chương trình cũng mở rộng thảo luận về sự giao thoa kiến trúc giữa các thành phố như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt, khi dấu ấn của kiến trúc Pháp vẫn còn đậm nét trong đời sống đô thị ngày nay.
Cuốn sách “ Kiến trúc Hà Nội”. Ảnh Phanbook
Cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội”, được AA Corporation và Phanbook phối hợp thực hiện, là kết quả của một nỗ lực kéo dài hai năm của các tác giả trẻ và những người có kinh nghiệm. Cuốn sách lưu giữ và truyền tải hình ảnh, tài liệu về các công trình kiến trúc Pháp tại Hà Nội, những công trình đã từng thuộc về quá khứ thực dân nhưng giờ đây trở thành phần không thể thiếu trong đời sống hiện đại. Cuốn sách cung cấp cái nhìn sâu sắc về sự chuyển mình của các công trình này dưới ảnh hưởng của lịch sử và xã hội.
Cuốn sách chia làm ba phần: Phần 1: Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội xưa; Phần 2: Kiến trúc Hà Nội thời Pháp thuộc, với các phong cách điển hình như Beaux-Arts, Art Deco, Đông Dương, Kiến trúc Pháp thuộc thời kỳ đầu, Kiến trúc Thép, Gothique; Phần 3: Kiến trúc Hà Nội sau năm 1954.
VĂN KIỆT – MẠNH TÚ