Sự kiện nghệ thuật “Vài “A” Lần” năm 2024: Thú vị, bất ngờ

Vào hôm 16 và 17/11/2024 vừa qua, doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận MSD United Way Vietnam và các đối tác VIEENT, NOAH STUDIO,… tổ chức triển lãm nghệ thuật phối hợp tương tác đương đại mang tên “Vài “A” Lần”.

Đây là dự án phi lợi nhuận, khởi xướng bởi nghệ sĩ La Zung và tập thể các anh chị em nghệ sĩ trong ngành sáng tạo. Sự kiện được tổ chức với sự tham gia của 20 nghệ sĩ và chuyên gia trong 8 tiết mục biểu diễn cùng các tác phẩm trưng bày, tái khám phá chủ đề bạo lực gia đình.

Đây là sự kiện được mở cửa tự do để khán giả có thể thưởng thức nghệ thuật, tương tác với các tiết mục và qua đó cũng được trải nghiệm và nâng cao nhận thức về phòng chống bạo lực gia đình.

z6045908436859 d9328f628ad19cf7a8cad25de6e61cd9

Đại diện ban tổ chức cho biết, “Vài “A” Lần” là cách chơi chữ, bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để nói về “bạo lực” (trong tiếng Anh là violence) và tiếng hét “A” đau đớn của những người bị bạo lực. Theo đó, trong từng tiết mục biểu diễn dưới những hình thái nghệ thuật khác nhau từ vũ đạo, âm thanh và chuyển động đầy cảm xúc, cả nghệ sĩ và khán giả có dịp lên tiếng, phản ánh và trực tiếp trải nghiệm về bạo lực gia định- một vấn đề xã hội không mới nhưng vẫn luôn hiện hữu và nhức nhối.

Các tiết mục được trình diễn trong hai ngày triển lãm bao gồm:

1. MV ứng tác: Lầm lỗi không màu: Với Dingdong – EP đầu tiên của La Zung với vai trò là một nhà sản xuất âm nhạc kiêm rapper, bao gồm 4 sản phẩm: Nam Mô, Thunder, Dingdong và Lầm lỗi không màu (ft. NGHI).

Dingdong kể về một câu chuyện qua 3 góc nhìn của 3 thành viên trong 1 gia đình: bố, mẹ, con gái và 1 MV nói về 1 cái kết “nếu như mọi thứ thay đổi” ở thì tương lai, sẽ đưa ra 1 góc nhìn nghệ thuật về câu chuyện nhưng cũng rất nhân văn về chủ đề “bạo lực gia đình”.

2. Chuyển động ứng tác: Ngày xưa bố mẹ cũng thế mà có sao đâu? – Nghệ sĩ Lê Mai Anh, Lê Chí Nguyễn và Lý Trí An:

Tiết mục gồm 2 phần: chuyển động ứng tác trên mặt nệm đá gồ ghề và thư giãn với trái bóng yoga mềm mại. Từ đó, khán giả sẽ được cảm nhận hành trình cảm xúc của chính mình như trải nghiệm nỗi đau, chấp nhận nỗi đau và tìm kiếm sự an yên giữa những bộn bề, lo toan của cuộc sống.

3. Đọc thơ ứng tác cùng liệu pháp chuông xoay: Suy nghĩ bẻ đôi – Nhà thơ Liêu Hà Trình và Nghệ nhân Hoàng Tuyết Mai:

Liêu Hà Trinh sử dụng chất liệu là những mẩu chuyện/tâm tư/nguyện vọng được chia sẻ từ khán giả và ứng tác chúng thành thơ, kết hợp cùng tiếng chuông vang tĩnh tại của Master Hoàng Tuyết Mai. Sự giao thoa giữa âm thanh và ngôn từ sẽ đưa khán giả vào một không gian chiêm nghiệm đa chiều, nơi cảm xúc được khơi gợi và đón nhận nguồn năng lượng chữa lành len lỏi qua từng rung động của tiếng chuông.

4. Tiết mục đọc thơ ứng tác: “một từ” – Nhà thơ Nam Thi:

Trong cùng chung một bối cảnh, như ở đây là “bạo lực gia đình”, mỗi người sẽ có nền tảng và những trải nghiệm khác nhau, mà tạo nên cách gọi tên cảm nhận về điều đó khác nhau. Chúng ta sẽ cùng quây quần trong một không gian, mỗi người sẽ chia sẻ một từ của mình. Mỗi từ khi đi vào bộ lọc suy tư của người khác, sẽ tạo nên ý tứ riêng biệt, dựa vào đó trở thành chất liệu sáng tác một bài thơ. Bài thơ là nơi tổng hòa, và cũng là nơi biến những nỗi đau thành thẩm mỹ. Ta kết nối và thấu cảm với nhau một cách vô hình bằng thơ, và để tin rằng, những điều tiêu cực cũng có giá trị của nó, khi ta sẵn sàng đối diện và chuyển hoá.

5. Tiết mục xem múa ứng tác: “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” – Nghệ sĩ: La Zung, Đỗ Hải Anh, Đình Uy:

Các nghệ sĩ sẽ vào vai người phụ thuộc và người bị phụ thuộc, tương tác cùng khán giả qua các món đồ chơi ngẫu hứng bằng ngôn ngữ chuyển động đương đại và tiếng dương cầm ứng tác, đưa ra góc nhìn nghệ thuật về những mối quan hệ độc hại ràng buộc lấy 1 đứa trẻ.

6. Tiết mục chuyển động ứng tác: “mày thấy con nhà người ta chưa?” – Nghệ sĩ Lyon:

Trong phần trình diễn này, nghệ sĩ Lyon sẽ cũng mọi người lau nhà (đúng nghĩa đen). Chúng ta sẽ cùng nhau quay về bản chất cốt lõi nhất của việc lau nhà và chỉ dùng giẻ lau với nước và cùng nhau cọ chà trên sàn. Hành động vốn dĩ đời thường này khi được đặt trong ngữ cảnh trình diễn, nghĩa là ta quan sát khi người khác lau sàn và ta được quan sát khi ta là người lau sàn, thì nó sẽ mang lại những phức cảm về mối quan hệ giữa mình và căn nhà mình chăm sóc cũng như mối liên hệ giữa mình với những mong muốn về gia đình.

7. Tiết mục chuyển động ứng tác: “bản đồ đỏ” – Nghệ sĩ Nhi Lê và mess:

Tác phẩm xoay quanh sự liên kết giữa con người trong đời sống hiện đại. Các mối quan hệ này thiết lập một mạng lưới phức tạp và luôn thay đổi, chúng bao bọc dòng chảy của sự sống. ‘Bản đồ đỏ’ mời khán giả đặt câu hỏi về các liên kết này, sự thay đổi và ảnh hưởng của chúng qua từng giai đoạn. Chuyện gì sẽ xảy ra khi ta nằm trong một mạng lưới dày đặc với quá nhiều liên kết? Khi mất tất cả liên kết, hay đôi khi chỉ còn một kết nối duy nhất?

8. Tiết mục kịch tham vấn: “Quá Khứ Lãng Quên: Bước Vào Phiên Tham Vấn” – Tiến sĩ/Nhà giáo dục học tâm lý Lê Nguyên Phương:

Trong một nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về chấn thương tâm lý phức tạp, chúng tôi trân trọng giới thiệu tiết mục ” Quá Khứ Lãng Quên: Bước Vào Phiên Tham Vấn ” với sự tham gia của TS Lê Nguyên Phương với vai trò chuyên gia tham vấn và một người đóng vai thân chủ.

Tiết mục sẽ đi sâu khám phá các biểu hiện của chấn thương tâm lý phức tạp, đặc biệt là các loại bạo hành và phó mặc trong gia đình, cũng như cách những ký ức này tác động đến cuộc sống trưởng thành, đặc biệt là trong các mối quan hệ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ giới thiệu cách một nhà tham vấn tiếp cận trị liệu trong việc chữa lành loại chấn thương này.

Mục tiêu của tiết mục là nâng cao nhận thức của xã hội về chấn thương tâm lý phức tạp nói riêng và các vấn đề sức khỏe tinh thần nói chung. Đồng thời, chương trình sẽ giúp khán giả hiểu rõ hơn về một số quy trình và phương pháp trị liệu tâm lý, từ đó khuyến khích mọi người quan tâm và chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân.

CATEGORIES
TAGS
Share This

BÌNH LUẬN

Wordpress (0)
Disqus (0 )