[8011] Sinh viên làm thêm: Chạy theo đồng tiền hay việc học tập là ưu tiên?
Trong những năm tháng giảng dạy, tôi đã không ít lần bắt gặp hình ảnh sinh viên lên lớp với đôi mắt thâm quầng, uể oải gục đầu trên bàn học. Khi hỏi han, lý do thường thấy nhất là các bạn vừa kết thúc ca làm kéo dài từ chiều đến tận khuya. Đây là tình trạng rất phổ biến, đặc biệt với những bạn phải làm thêm hơn 30 giờ mỗi tuần. Điều này khiến tôi càng tin rằng, đã đến lúc chúng ta cần nghiêm khắc giới hạn giờ làm thêm của sinh viên.
Trước khi trở thành giảng viên, tôi cũng từng là một sinh viên và hơn ai hết, tôi hiểu rõ những khó khăn mà các bạn đang trải qua. Việc làm thêm quá nhiều giờ mỗi ngày ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các bạn. Rất dễ bắt gặp hình ảnh sinh viên lên lớp trong trạng thái thiếu tỉnh táo, thậm chí ngủ ngay trong giờ học để bù lại giấc ngủ đêm trước. Điều này khiến các bạn không thể tiếp thu bài giảng, dẫn đến lỗ hổng kiến thức ngày càng lớn và khó theo kịp chương trình học.
Thêm vào đó, tình trạng làm thêm quá nhiều giờ còn lấy đi thời gian mà lẽ ra sinh viên cần dành cho việc học bài, làm bài tập và ôn thi. Tôi thường nghe sinh viên phản ánh có nhiều bạn thường xuyên trễ deadline bài tập, làm bài qua loa hoặc không đóng góp hiệu quả trong nhóm, khiến các thành viên khác khó chịu và ảnh hưởng đến kết quả chung. Tôi cũng từng chấm những bài tiểu luận và bài kiểm tra cuối kì được làm một cách sơ sài, thiếu đầu tư. Đương nhiên những bài như thế thì sẽ không thể đạt điểm cao. Đến kì thi, nhiều sinh viên gần như không có thời gian ôn luyện dẫn đến việc rớt môn và phải thi lại. Một số trường hợp nghiêm trọng hơn, các bạn nợ quá nhiều môn và buộc phải học lại, kéo dài thời gian ra trường thêm một hoặc hai năm. Điều đáng buồn là không ít sinh viên vì gánh nặng tài chính và áp lực học tập đã buộc phải rời giảng đường, khép lại giấc mơ cùng tương lai còn đang dang dở.
![[8011] Sinh viên làm thêm: Chạy theo đồng tiền hay việc học tập là ưu tiên? 1 IMG 6154](https://inlook-vn.com/wp-content/uploads/2024/12/IMG_6154.jpeg)
Sinh viên VOV College trong một buổi làm nhóm (Ảnh; K.N)
Thay vì dành quá nhiều thời gian cho các công việc làm thêm, sinh viên cần cân nhắc giới hạn số giờ làm mỗi ngày để đảm bảo vẫn có đủ thời gian nghỉ ngơi và tập trung vào việc học tập. Các cơ quan và doanh nghiệp cũng nên áp dụng chính sách giới hạn giờ làm đối với sinh viên để tránh tình trạng bóc lột sức lao động ở lứa tuổi còn cần ưu tiên cho việc học. Những chính sách này không chỉ bảo vệ quyền lợi sinh viên mà còn giúp xây dựng lực lượng lao động trẻ khỏe mạnh và có trình độ trong tương lai.
Việc làm thêm là cần thiết để sinh viên tích lũy kinh nghiệm sống và hỗ trợ tài chính, nhưng cần được cân nhắc và quản lý thời gian hợp lý. Đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn muốn dành thời gian đi làm thêm để có thêm tài chính trang trải cuộc sống thì cũng có hướng tốt nhất khi bị giới hạn thời gian làm thêm. Những sinh viên ấy có thể tận dụng các nguồn hỗ trợ tài chính sẵn có từ nhà trường và xã hội. Nhiều trường đại học hiện nay đã triển khai các chương trình học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc có thành tích học tập xuất sắc. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cung cấp các chương trình vay vốn học tập với lãi suất ưu đãi. Những khoản vay này giúp sinh viên có thể trang trải chi phí sinh hoạt và học phí trong suốt thời gian học. Các em sinh viên vẫn có thể viết tiếp ước mơ đi đại học, vẫn đảm bảo nắm chắc kiến thức, đảm bảo cân bằng việc học và làm thêm.
Cuối cùng, tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn sinh viên rằng một sự đầu tư đúng đắn vào việc học sẽ mang lại những giá trị mà không công việc làm thêm nào có thể thay thế.
Nguyễn Thị Kim Ngân (Q. Thủ Đức, TP. HCM – kimngan@hotmail.vn, SĐT: 0813xxxx74)
_____________________
[Đây là nội dung giả định được tổ chức nhằm phục vụ môn học Tổ chức Diễn đàn trên Báo điện tử. Mọi thông tin, hình ảnh về các nhân vật, tổ chức trong bài viết đều mang tính chất minh họa. Mọi thông tin cực đoan, gây hiềm khích, thóa mọa cá nhân – tổ chức khác đều bị nghiêm cấm.]