[8011] Giới hạn giờ làm thêm của sinh viên: Khi tài chính là vấn đề cốt lõi
Việc sinh viên dành thời gian để làm thêm không phải là vấn đề quá xa lạ. Dù gia đình có khá giả hay tài chính không ổn định, các sinh viên đều muốn thử sức với các công việc bán thời gian. Có rất nhiều lý do để sinh viên vừa học vừa làm, đầu tiên không thể không nói đến về vấn đề thu nhập. Học đại học, đặc biệt là những bạn sống xa gia đình, tài chính luôn là vấn đề đáng quan tâm.
Cuộc sống sinh viên cần rất nhiều khoản chi khác nhau, hầu hết ai cũng mong muốn có chút thu nhập để gánh đỡ một phần nào đó cho gia đình hay đơn giản để bản thân có một khoản chi phí dư dả vào sở thích cá nhân. Chính vì vậy, họ chọn cách làm thêm để trang trải chi phí cho cuộc sống đắt đỏ ở thành phố. Thậm chí họ còn muốn tăng ca vào những buổi không có lịch học. Nếu áp đặt giờ làm thêm của sinh viên quá chặt chẽ, liệu sinh viên có thời gian dành cho việc học hơn, hay khiến nhiều sinh viên cảm thấy áp lực hơn khi không đủ khả năng chi trả cho những khoản chi phí cần thiết?
![[8011] Giới hạn giờ làm thêm của sinh viên: Khi tài chính là vấn đề cốt lõi 1 IMG 6051](https://inlook-vn.com/wp-content/uploads/2024/12/IMG_6051-650x431.jpeg)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Khi không có giới hạn về giờ làm thêm, sinh viên có thể linh hoạt làm việc trong khoảng thời gian rảnh rỗi mà không cảm thấy bị áp lực. Nếu tìm được công việc có mức lương cao, họ không chỉ có khả năng tự lo cho cuộc sống mà còn có thể giảm bớt gánh nặng tài chính từ gia đình. Hơn nữa, một phần thu nhập từ công việc làm thêm có thể được tiết kiệm, giúp họ đầu tư vào việc học tập và phát triển bản thân.
Là một sinh viên với mong muốn mua laptop để phục vụ cho việc học, tôi lại càng thấu hiểu rằng việc làm thêm giờ rất cần thiết. Thật may mắn khi tôi tìm được công việc với mức lương khá ổn định, nên để đạt được mục tiêu trong thời gian sớm nhất thì vào những lúc rảnh rỗi tôi đều xin làm thêm giờ, có khi tôi làm một tuần lên đến 30-40 tiếng. Mặc dù công việc làm thêm chiếm khá nhiều thời gian trong ngày, nhưng tôi vẫn sắp xếp được thời gian cho việc học một cách hợp lý nhất, thành thử ra việc làm thêm giờ đối với tôi cũng không thành vấn đề gì. Và tôi nghĩ sinh viên nào trong trường hợp này cũng đều mong muốn làm thêm giờ cả! Bởi lẽ, dù thu nhập không quá nhiều nhưng cũng đủ để giúp cho họ nhanh chóng đạt được mong muốn đề ra. Mặt khác, họ còn gánh đỡ chi phí một phần nào đó cho gia đình.
Suy cho cùng, việc giới hạn giờ làm thêm của sinh viên cần được xem xét kỹ lưỡng hơn. Tôi biết việc này đặt ra là để không ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập của sinh viên, nhưng đây cũng đồng nghĩa với việc tước đi cơ hội kiếm thêm thu nhập của biết bao sinh viên, đặc biệt là những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Đối với họ, việc làm thêm không chỉ là một cách trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày mà còn là nhu cầu thiết yếu để tiếp tục con đường học vấn.
Điều quan trọng không nằm ở số giờ làm thêm, mà là cách sinh viên cân bằng giữa công việc và học tập. Nếu được thực hiện một cách hợp lý, tôi nghĩ đây không chỉ là giải pháp về tài chính mà còn mang lại nhiều giá trị khác. Bạn nghĩ sao về vấn đề này?
Trương Mỹ Hoa (Q. Tân Phú, TP. HCM – myhoa@hotmail.vn, SĐT: 09773xxx21)
____________________
[Đây là nội dung giả định được tổ chức nhằm phục vụ môn học Tổ chức Diễn đàn trên Báo điện tử. Mọi thông tin, hình ảnh về các nhân vật, tổ chức trong bài viết đều mang tính chất minh họa. Mọi thông tin cực đoan, gây hiềm khích, thóa mọa cá nhân – tổ chức khác đều bị nghiêm cấm.]