[Báo] Giới hạn giờ làm thêm của sinh viên: Nhiều ý kiến đáng suy ngẫm
Trong xã hội hiện đại ngày nay, sinh viên không chỉ học tập mà còn làm thêm để kiếm thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt và học tập. Tuy nhiên, việc làm thêm cũng đem lại nhiều lo ngại, ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian học tập, cũng như sự phát triển toàn diện của sinh viên. Chính vì vậy, việc giới hạn giờ làm thêm của sinh viên đang trở thành vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng.
Bảo Minh (baominh901@gmail.com, SĐT: 0934219xxx) đã bình luận “Là một sinh viên vừa đi học vừa làm thêm, tôi nghĩ không nên giới hạn giờ làm vì nó phụ thuộc vào cách mỗi người quản lý thời gian. Cá nhân tôi làm thêm hơn 30 giờ mỗi tuần, nhưng công việc lại liên quan đến ngành học nên tôi rất hứng thú và học được nhiều kinh nghiệm thực tế. Nhờ vậy, tôi vừa có thêm thu nhập, vừa áp dụng kiến thức vào công việc, mà kết quả học tập vẫn đảm bảo. Với tôi, nếu biết cân bằng thì việc làm thêm là một lợi thế chứ không phải gánh nặng”. Hay bạn Hồng Liên (honglien1809@gmail.com, SĐT: 0375119xxx) chia sẻ thêm “Các bạn sinh viên đã chọn đi làm thêm song song với việc học thì chắc hẵn phải có lý do riêng của các bạn, đó là sự lựa chọn của bản thân các bạn nên mỗi sinh viên phải tự có ý thức trách nhiệm về việc cân bằng giữa học và làm. Đi làm thêm không xấu, chỉ có những trường hợp quá sa đoạ vào đi làm mà bỏ bê việc học khiến người khác giảm thiện cảm với việc đi làm thêm. Thật ra nếu biết cách cân bằng, học hỏi trong quá trình đi làm và đi học, thì các bạn sinh viên còn có thể trau dồi được các kiến thức, kỹ năng bố ích từ sớm”.
Tuy nhiên với góc nhìn của phụ huynh và giảng viên sẽ có những ý kiến khác với thế hệ trẻ hơn. Chị Thảo Nguyên (phanthithaonguyen14@gmail.com, SĐT: 0339387xxx) có ý kiến “Là một người chị có em đang học đại học, tôi hiểu được mong muốn tự lập và trải nghiệm của các bạn trẻ. Tuy nhiên, việc sinh viên làm thêm cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Em gái tôi là một sinh viên vừa học vừa làm vất vả. Sáng sớm, em dậy từ rất sớm để đến lớp và học đến gần trưa. Sau đó, em vội vã chạy tới chỗ làm và làm việc đến tối muộn, có khi đến 10 giờ tối mới xong. Khi về tới nhà, em luôn trong trạng thái mệt mỏi rã rời. Chúng tôi đều là gia đình nhỏ duy nhất còn lại với nhau, khi ba mẹ mất sớm, chỉ còn tôi và em. Tôi đang làm việc vất vả để lo cho cuộc sống của cả hai và dù không ít lần tôi khuyên em “Em à, làm thêm ít thôi, giữ sức khoẻ và tập trung vào việc học đi”, nhưng em vẫn cứ tiếp tục làm việc để không làm gánh nặng cho tôi thêm. Tôi thấy xót xa vô cùng khi nhìn em mình như vậy. Thực ra, việc kiểm soát số giờ làm thêm của sinh viên là điều rất cần thiết. Cần phải làm sao để các bạn có thể cân bằng được việc học và làm, đừng để mải mê kiếm tiền mà quên mất mục tiêu chính là học hành và chăm sóc sức khoẻ bản thân. Đừng để nỗi vất vả của cuộc sống làm mất đi những giấc mơ, hoài bão tuổi trẻ”. Một phụ huynh giấu tên cũng chia sẻ: “Đối với sinh viên việc đi làm thêm như con dao hai lưỡi vậy. Chứng kiến cảnh đứa con thân yêu của mình bắt đầu ra khỏi nhà từ 6 giờ sáng đến tận 10 giờ tối mới về đến nhà mà xót con vô cùng. Gia đình không gọi là khó khăn nên tôi có nói với con rằng không phải đi làm thêm để ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như là việc học, nhưng con bảo muốn đi làm thêm để có thêm kinh nghiệm sau này. Bản thân tôi thấy giới hạn giờ làm thêm là cần thiết. Việc đặt ra một khung giờ hợp lý giúp sinh viên có thể đảm bảo được chất lượng học tập, sức khỏe lẫn việc làm thêm để tích lũy kinh nghiệm. Ở nước ngoài, một số quốc gia đã giới hạn giờ làm thêm không quá 20 giờ một tuần. Các trường đại học, cao đẳng cũng nên có những khóa tư vấn cho sinh viên để các bạn sinh viên có thể cân bằng giữa việc học và việc làm thêm”. Hay một giảng viên Hồng Vy (hongvy0910@gmail.com, SĐT: 0997233xxx) đã có kiến nghị “Mình cho rằng, sinh viên đi làm thêm là hợp lý, song cần bố trí thời gian phù hợp và cả thời lượng phù hợp. Nhiều bạn trẻ hiện nay, đi làm thêm, sau giờ học, về nhà thì mệt quá, đâu còn sức và cả thời gian để xem lại bài cũ, chuẩn bị bài mới để lên lớp. Hiện nay, lối học Đại học đang thay đổi, sinh viên phải chuẩn bị khá nhiều nội dung để lên lớp thảo luận cùng giảng viên, bạn học, làm việc nhóm. Thậm chí, bản thân tôi là một giảng viên, có hôm tôi đang giảng bài, còn 1 giờ nữa mới hết tiết 10 buổi chiều (4:30), thì 1 bạn nam lên xin, thầy ơi cho em về sớm em vô ca làm.
Thiết nghĩ, các đơn vị sử dụng lao động, nhân viên bán thời gian là sinh viên cũng nên chủ động, linh hoạt sắp ca cho phù hợp, vì tạo điều kiện cho sinh viên làm kiếm thêm thu nhập, trang trí kinh phí học và sinh hoạt, nâng cao trải nghiệm tương tác, tiếp xúc xã hội là tốt, nhưng sẽ còn tốt hơn, nếu chúng ta tinh tế hơn”.
(Ảnh minh họa: Internet)
Trân trọng,
Ban biên tập.
——————
Giới hạn việc làm thêm của sinh viên vẫn đang là một đề tài nóng hổi và câu trả lời cho vấn đề này vẫn đang là một dấu chấm hỏi lớn. Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào, liệu có nên giới hạn giờ làm thêm của sinh viên hay không, hay còn có giải pháp nào khác?
Mời quý độc giả gửi ý kiến của mình về vấn đề qua
Email: bdtvovc@gmail.com.
Rất mong sẽ nhận được sự đóng góp từ quý độc giả.
Thời gian nhận bài: 28/11/2024 – 25/12/2024
Trân trọng,
Ban biên tập.
——————————
[Đây là nội dung giả định được tổ chức nhằm phục vụ môn học Tổ chức Diễn đàn trên Báo điện tử. Mọi thông tin, hình ảnh về các nhân vật, tổ chức trong bài viết đều mang tính chất minh họa. Mọi thông tin cực đoan, gây hiềm khích, thóa mọa cá nhân – tố chức khác đều bị nghiêm cấm]
bài viết rất hữu ích, mang lại cho tôi nhiều góc nhìn khác nhau của vấn đề!