[BTS] Giới hạn giờ làm thêm của sinh viên: Đừng vì làm thêm mà quên đi giá trị của việc học
Ai trong chúng ta cũng hiểu rằng việc học luôn là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên việc làm thêm ngoài giờ học đã trở thành một phần không thể thiếu của các bạn sinh viên. Đối với nhiều bạn, việc làm thêm sẽ là cơ hội để các bạn phát triển cũng như có thể kiếm thêm thu nhập phụ giúp cho gia đình nhưng lại ít ai có thể nhận thức được những hệ lụy tiềm ẩn khi bản thân mình lạm dụng việc làm thêm quá nhiều. Việc giới hạn giờ làm thêm của sinh viên theo quan điểm của tôi là một điều cần thiết. Bởi vì điều đó không phải là cấm sinh viên không được đi làm mà đó là cách để giúp các bạn sinh viên có thể học tập một cách hiệu quả nhất, bảo vệ sức khỏe và nó cũng là lời nhắc nhở các bạn sinh viên đừng quên mất đi giá trị của việc học.
Tôi đã từng đọc qua rất nhiều bình luận khác nhau về việc giới hạn giờ làm thêm của sinh viên, trong đó tôi rất tâm đắc với một vài quan điểm và chắc chắn tôi sẽ nhắc đến trong bài viết này. Trong một lần tình cờ tôi có thấy bạn Thủy Tiên bình luận rằng: “Làm thêm đúng là có mặt tích cực về việc tích lũy kinh nghiệm thật nhưng mà đừng quá lạm dụng nó. Cứ như vậy, mình thấy các bạn sẽ dễ bị cuốn theo đồng tiền rồi sau đó bỏ bê việc học đấy…”. Đúng như bạn ấy nói, làm thêm có thể mang đến nhiều lợi ích cho các bạn sinh viên thật nhưng nó cũng có thể trở thành một con dao hai lưỡi khiến bạn bị cuốn vào đồng tiền mà quên mất rằng mục tiêu của chúng ta đến đây là đi học để thể thực hiện được ước mơ mà mình đã từng mong muốn. Sau khi đọc được câu ấy bản thân tôi đột nhiên nhớ về bản thân mình trước đó. Tôi đã từng rất siêng năng trong học tập, nhưng vì muốn mình phải biết cách tự lập sớm nên tôi đã quyết định làm nhiều công việc khác nhau. Điều gì đến cũng sẽ đến, vì quá bận rộn cho công việc, tôi đã bỏ bê việc học không thể đến trường nổi vì quá mệt và cuối cùng phải chấp nhận rớt môn. Điều đó khiến tôi phải tự ngẫm lại với bản thân rằng: liệu những kinh nghiệm thực tế và những số tiền của việc làm thêm mang lại có đủ để bù đắp cho sự đánh mất kiến thức học tập và sức khỏe của tôi không? Việc làm thêm có thể giúp sinh viên rèn luyện tính tự lập và hiểu rõ hơn về giá trị lao động. Có thể trong một thời gian ngắn, những công việc ấy mang lại thu nhập đủ để bạn chi tiêu hằng ngày, nhưng về lâu dài bạn cứ mãi mê làm việc mà bỏ học và bạn không nắm được những kiến thức chuyên môn ở trường thì điều đó có thể khiến con đường sự nghiệp của bạn trở nên khó khăn hơn.
Cô Ngọc Vi là một phụ huynh cũng đồng tình với việc giới hạn giờ làm thêm của sinh viên. Hôm trước tôi đọc được bình luận cô và thấy cô đã thẳng thắn bày tỏ như sau: “Việc làm thêm quá nhiều có thể gây mệt mỏi, làm giảm khả năng tập trung vào học tập và ảnh hưởng đến sức khỏe của các bạn…”. Điều cô ấy nói là hoàn toàn đúng. Làm thêm có thể mang lại nhiều lợi ích nhưng nếu không biết cách quản lý tốt thời gian thì nó sẽ trở thành gánh nặng và nó sẽ kéo sinh viên xa rời hơn với mục tiêu học tập ban đầu của mình. Đây không chỉ là lo ngại của các bậc phụ huynh không thôi mà nó còn là thực tế của nhiều bạn sinh viên đã trải qua. Đi làm nhiều, việc tiếp xúc với áp lực càng tăng nếu cứ liên tục như vậy sẽ khiến cho cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi có khi còn ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý nữa.
Tôi đã thấy có khá nhiều bạn vì không chịu nổi áp lực tiền bạc đã bỏ học giữa chừng để đi làm, thậm chí có nhiều bạn vì làm quá nhiều dẫn đến mất sức, phải nhập viện và bao nhiêu tiền kiếm được phải đổ vào tiền viện phí ấy, điều này không chỉ làm lãng phí công sức học tập trước đó mà còn ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của các bạn.
Tôi nghĩ việc học tập phải là trọng tâm của sinh viên, như bạn Nguyễn Nghi từng bình luận rằng: “Việc đi làm có thể kiếm thêm thu nhập giúp cho gia đình nhưng nên quản lý thời gian để tập trung học tập hơn…”. Đúng như vậy, là sinh viên việc học vẫn là mục tiêu chính. Làm thêm có thể là một giải pháp có ích để các bạn sinh viên giảm gánh nặng về tiền bạc nếu các bạn ấy là người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng nếu sinh viên không biết cách cân bằng giữa công việc và học tập, thì điều đó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập của chính bản thân các bạn. Bạn có thể mất đi cơ hội phát triển toàn diện và dẫn đến những sai lầm không đáng có như bỏ bê việc học, chấp nhận rớt môn, quyết định đi làm và bỏ học, mặc cho ảnh hưởng sức khỏe vẫn đi làm,… Những điều ấy sao này nếu bạn mới hiểu ra được những tác hại mà nó mang lại thì cũng đã quá muộn rồi.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Để có thể cân bằng được giữa việc học tập và việc đi làm thêm mỗi sinh viên cần phải ý thức rõ ràng về mục tiêu sau này của mình. Sinh viên cần phải biết cách lập kế hoạch và quản lý thời gian một cách hết sức khoa học. Việc giới hạn giờ làm thêm theo tôi nghĩ đó là một biện pháp cần thiết để bảo vệ sinh viên chứ đó không phải là một rào cản làm cho sinh viên không thể phát triển được và tôi cũng hoàn toàn đồng ý với cô Ngọc Vi khi cô nói rằng: “Việc giới hạn giờ làm thêm không phải là cản trở mà là một biện pháp cần thiết để bảo vệ và hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập và phát triển bản thân…”. Quan điểm này theo tôi là đúng vì nếu bản thân biết quản lý thời gian một cách hợp lý thì việc làm thêm sẽ trở thành một công cụ hỗ trợ các bạn rất nhiều trong tương lai. Việc giới hạn giờ làm thêm để giúp các bạn có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và có thêm thời gian để học nữa.
Qua một vài ý kiến trên cho thấy rằng, mọi người đều rất quan tâm đến vấn đề làm thêm của sinh viên. Ai cũng nhận thấy rằng việc làm thêm mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sinh viên tuy nhiên nếu chỉ lo làm mà không học là điều không nên và nếu chỉ biết đi làm mà không biết sắp xếp thời gian một cách hợp lý thì việc làm thêm sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, làm đầu óc mình trở nên căng thẳng dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực. Đó cũng là lí do tại sao việc giới hạn giờ làm thêm trở thành chủ đề quan trọng để mọi người góp ý và đưa ra quan điểm của mình. Việc giới hạn giờ làm thêm của sinh viên như tôi đã nói ở trên, nó không phải là rào cản để không cho sinh viên phát triển mà đó là một biện pháp để giúp các bạn có thể bảo vệ sức khỏe, ưu tiên việc học hơn để có những kiến thức chuyên môn chuẩn bị cho tương lai sau này.
Việc làm thêm chắc chắn là một trải nghiệm quý giá, không ai cấm các bạn làm thêm, nhưng các bạn cũng phải nhớ rằng nó không thể nào thay thế việc học của chúng ta. Bạn phải nhớ rằng bản thân mình đã từng nổ lực như thế nào suốt 12 năm đèn sách để có thể bước chân trên con đường Đại học/Cao đẳng này và tiếp tục thực hiện ước mơ. Đừng vì một số tiền chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hiện tại mà chấp nhận bỏ học hay không màng đến sức khỏe của bản thân. Học và làm đều quan trọng, nhưng việc học mới là nền tảng, chỉ khi bạn biết cách cân bằng giữa học và làm thì quãng thời gian ấy mới thực sự là có ích và mới thực sự là một bức tường vững chắc cho tương lai sau này.
Hồng Lan (tổng hợp)
_____________
Đây là nội dung giả định được tổ chức nhằm phục vụ môn học Tổ chức Diễn đàn trên Báo điện tử. Mọi thông tin, hình ảnh về các nhân vật, tổ chức trong bài viết đều mang tính chất minh họa. Mọi thông tin cực đoan, gây hiềm khích, thóa mọa cá nhân – tổ chức khác đều bị nghiêm cấm.