[Đài Tiếng nói Sinh viên] Liệu giới hạn giờ làm thêm của sinh viên có phải lựa chọn hợp lý ?
Ngày nay hầu như sinh viên nào cũng đi làm thêm, ước tính ở mỗi trường đại học, cao đẳng tại các thành phố lớn có tới khoảng 80% sinh viên đang vừa học vừa làm. Nhưng việc song hành giữa học và làm cũng khiến sinh viên phải đối diện với nhiều được, mất. Bởi làm nhiều thì ảnh hưởng đến việc học mà làm ít thì đôi khi không đủ. Vậy vấn đề đặt ra là “liệu sinh viên làm thêm bao nhiêu giờ là đủ?”
Ở nước ta, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh, có vô số những công việc với đa dạng hình thức khác nhau thu hút đông đảo lực lượng lao động tham gia, trong đó đa phần là sinh viên. Những công việc phục vụ quán ăn, quán cà phê với mức lương trung bình từ 17.000 – 24.000 đồng một giờ được khá nhiều bạn lựa chọn vì dễ xin việc và yêu cầu công việc không quá khắt khe. Bên cạnh đó những công việc freelance và online cũng đang trở thành xu hướng vì tính linh hoạt.
![[Đài Tiếng nói Sinh viên] Liệu giới hạn giờ làm thêm của sinh viên có phải lựa chọn hợp lý ? 1 Sinh viên làm công việc phục vụ tại quán cà phêNguồn: Văn Hiền](https://inlook-vn.com/wp-content/uploads/2024/12/hau-650x495.jpg)
Sinh viên làm công việc phục vụ tại quán cà phê (Nguồn: Văn Hiền/Internet)
Theo tôi, có nhiều lý do thúc đẩy sinh viên đăng ký làm thêm như: tăng thu nhập, sinh hoạt phí phục vụ cho các nhu cầu cá nhân, cải thiện kỹ năng hay tích luỹ kinh nghiệm sống,… Và “văn hoá làm thêm” đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong “đời sinh viên” của nhiều thế hệ trẻ.
Trên thực tế, việc đi làm không chỉ giúp sinh viên chủ động về kinh tế mà còn tạo điều kiện để các bạn cọ xát với thực tiễn cuộc sống cũng như mở rộng các mối quan hệ. Đối với những bạn làm thêm đúng ngành, họ còn có cơ hội làm quen sớm với môi trường làm việc trong tương lai và áp dụng những kiến thức đã học ở trường vào thực nghiệm.
Tuy nhiên, đi làm thêm quá đà cũng không tốt.
Bản thân tôi cũng là một sinh viên đang đi làm thêm và từng chứng kiến nhiều bạn bè đến lớp trong tình trạng thiếu ngủ hoặc hoàn toàn kiệt sức sau buổi làm thêm kéo dài đến tối muộn. Thậm chí có những người bạn hoàn toàn không phải chịu áp lực về kinh tế nhưng vẫn muốn làm cùng lúc nhiều việc và xem việc “chạy” hết deadline này đến deadline kia là biểu hiện của sự cố gắng trong cuộc sống, mặc dù đôi khi những công việc đó không thực sự giúp ích, thậm chí gây ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả học tập của họ.
![[Đài Tiếng nói Sinh viên] Liệu giới hạn giờ làm thêm của sinh viên có phải lựa chọn hợp lý ? 2 sinhvine](https://inlook-vn.com/wp-content/uploads/2024/12/sinhvine.jpg)
Sinh viên uể oải trong tiết học sau khi đã kiệt sức vì làm thêm (Nguồn: Careerviet)
Tại trường tôi có không ít những trường hợp bị nợ môn do dành quá nhiều thời gian để đi làm. Đôi khi chuyện kiếm được tiền từ những công việc bán sức trẻ tạm bợ tạo ra sức hút lớn đến nỗi người trẻ quên đi mục đích học tập ban đầu rồi “đứt gánh” giữa chừng trên con đường tiến đến một công việc bền vững bảo đảm cho tương lai sau này của họ.
Chưa kể đến mỗi công việc đều có những áp lực khác nhau và những giai đoạn khó khăn mà không phải lúc nào người trẻ cũng đủ sức vượt qua. Việc không có sự cân bằng giữa học và làm sẽ khiến nảy sinh những vấn đề rối rắm.
Mất thời gian, mất sức khoẻ, mất động lực học tập, lại còn mất phương hướng…Có quá nhiều rủi ro xảy đến nếu sinh viên không cân bằng tốt giữa thời gian học tập và làm thêm.
Vậy “sinh viên đi làm thêm bao nhiêu giờ là đủ?” và “liệu có nên giới hạn thời gian làm thêm của sinh viên không?”. Theo tôi, thời gian và lịch trình của mỗi người là khác nhau, do đó vấn đề giới hạn giờ làm thêm không nên mang tính bắt buộc mà nên để cho cá nhân tự linh hoạt sắp xếp. Mặc dù ở nhiều nước các trường đại học đã quy định rõ về việc sinh viên được phép làm thêm bao nhiêu giờ một tuần nhưng vẫn không kiểm soát được hoàn toàn tình trạng sinh viên trốn đi làm thêm “chui”. Hơn nữa mức thu nhập của nước ta vẫn còn thấp và các chế độ dành cho sinh viên chưa thực sự đảm bảo đối với các sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từ đó buộc họ phải làm thêm giờ và làm nhiều công việc.
Chung quy lại, thay vì đặt ra giới hạn thời gian làm thêm ở sinh viên thì nên tăng cường chính sách hỗ trợ về kinh tế đồng thời giám sát và quản lý chặt chẽ chất lượng học tập của sinh viên thông qua các kỳ thi đánh giá, đảm bảo sinh viên được tự do làm thêm nhưng vẫn nắm vững kiến thức. Tuy nhiên, sinh viên cũng cần phải sắp xếp thời gian hợp lý để vừa có thể học tập tốt lại vừa nâng cao các kỹ năng xã hội.
Nguyễn Thị Thuỳ Hậu (Q.12, TP. HCM – thuyhxx997@gmail.com, SĐT: 09612xxxx)
Đây là nội dung giả định được tổ chức nhằm phục vụ môn học Tổ chức Diễn đàn trên Báo điện tử (K23). Mọi thông tin, hình ảnh về các nhân vật, tổ chức trong bài viết đều mang tính chất minh họa. Mọi thông tin cực đoan, gây hiềm khích, thóa mọa cá nhân – tổ chức khác đều bị nghiêm cấm.
Sức khoẻ là trên hết và các bạn đã gạt đi sức khoẻ của mình mà vùi đầu vào làm thêm, chưa biết tuổi già sẽ ra sao nhưng hiện tại là thấy làm thêm bào mòn sức lực rồi đó, không còn tỉnh táo để đi học là thấy ảnh hưởng rồi. Nếu tôi là bậc phụ huynh, tôi cũng không muốn con mình vì đi làm mà không hoàn thành nghĩa vụ học tập như thế này.
Phụ huynh cũng không muốn con em quá lao đầu vào làm việc mà quên đi sức khỏe của mình, cũng không cha mẹ nào muốn con cái mình phải vừa học vừa làm mà không có thời gian nghỉ ngơi. Nên việc giới hạn giờ làm thêm là hoàn toàn hợp lí
Nợ môn vì làm thêm là điều các bạn đã và đang làm thêm không nên mắc phải nhé!