[Điểm A] Hạn chế giờ làm thêm của sinh viên: Ý kiến của chúng tôi!
Câu chuyện làm thêm đối với sinh viên là một chủ đề mà mọi sinh viên ở mọi thời đại điều quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và đã có rất nhiều ý kiến và lập luận của các bậc phụ huynh, cựu sinh viên đưa ra về việc này sau khi báo điện tử VOV phát động diễn đàn “Giới hạn giờ làm thêm của sinh viên: Nên hay không?”.
Trước tiên, hãy nói đến những ý kiến của các bạn sinh viên, hầu hết các bạn cho rằng sinh viên làm thêm là một điều tốt nhưng phải biết cách phân chia sao cho hợp lý. Bạn Trâm bình luận: “Tôi nghĩ giờ làm thêm nhiều hay ít còn tùy thuộc vào hoàn cảnh sống lẫn nhu cầu sống của mỗi người. Nhưng nếu có thể thì tôi nghĩ nên cân chỉnh giờ làm thêm phù hợp với những hoạt động sống của bản thân. Sở dĩ, “làm thêm” chỉ thực sự nên hiểu theo nghĩa đen của nó là làm thêm, là cái phụ chứ không phải là tất cả trong cuộc sống của ta. Đừng nên bị cuốn theo công việc làm thêm mà ảnh hưởng đến thời gian học tập cũng như thời gian dành cho gia đình, bản thân. Khi giờ làm thêm chiếm quá nhiều thời gian của bản thân thì tôi nghĩ lúc ấy cả tâm lý cũng khó ổn định được, dẫn đến nhiều hệ lụy khác trong cuộc sống. Vì vậy, tôi nghĩ nên cân chỉnh giờ làm thêm hợp lí là tốt nhất”.
Quả thật như chúng ta thấy, những công việc làm thêm của sinh viên thường phải làm tay chân và rất mất nhiều sức, nếu làm quá nhiều mà để ảnh hưởng đến sức khoẻ làm xa xúc việc học thì không nên, vì vậy hãy biết cân chỉnh cho phù hợp với lịch học và tình trạng sức khoẻ như bạn Anh Tú đã bình luận “Không biết mọi người nghĩ sao, chứ tui thấy việc cân bằng thời gian học và làm khá đơn giản á. Vì mỗi lần có lịch học tui sẽ ghi ra chi tiết sau đó chọn những ngày rảnh và điền lịch làm vào. Nên tui rất dễ dàng kiểm soát luôn”.
Nhưng song song đó cũng có một số bạn sinh viên chưa biết cách cân bằng sắp xếp sao cho hợp lý.
“Mình là một sinh viên tự lập kinh tế nên việc làm thêm để trang trải cuộc sống là điều cần thiết tuy nhiên thì nhiều khi nó cũng ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề học tập cũng như sức khỏe của mình mình chưa cân bằng được cả 2 thứ này”.
Vậy nên mới đặt ra vấn đề có nên giới hạn giờ làm thêm cho sinh viên không để mọi thứ được cân bằng tốt nhất vì có bạn sẽ biết cách sắp xếp, cân bằng được, có bạn thì không nhưng việc đề ra giới hạn có thật sự cần thiết khi mỗi người là mỗi hoàn cảnh và trường hợp khác nhau, bạn Trần Quỳnh Thi đã bình luận “Theo bản thân mình thì giới hạn giờ làm thêm của sinh viên đang là một vấn đề khá thú vị và đáng để suy nghĩ. Trước hết, việc làm thêm giúp mình có thêm kinh nghiệm, kỹ năng và một chút tiền để trang trải học phí hay sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt, trong thời buổi ngày nay xã hội phát triển, thì đồng nghĩa với việc chi phí sinh hoạt ngày càng cao, nhiều bạn sinh viên phải tìm việc làm để tự lo cho bản thân.Tuy nhiên, nếu không có giới hạn, có thể sẽ có những bạn lao vào làm thêm quá nhiều, bỏ bê việc học. Mình thấy rằng học tập là ưu tiên hàng đầu của sinh viên. Nếu vừa học vừa làm quá sức, không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn đến sức khỏe. Nên việc đặt ra giới hạn giờ làm thêm sẽ giúp sinh viên cân bằng giữa học và làm, tránh bị áp lực quá nhiều dồn vào cùng lúc.Mình cũng nghĩ rằng giới hạn giờ làm thêm cần phải linh hoạt. Có những bạn có khả năng quản lý thời gian rất tốt, có thể vừa làm vừa học hiệu quả. Vậy nên, có thể xem xét từng trường hợp cụ thể thay vì áp dụng một quy định cứng nhắc cho tất cả.Vì vậy, việc nên hay không nên có giới hạn giờ làm thêm của sinh viên còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện và yếu tố. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là làm sao để chúng mình có thể vừa học tốt vừa có trải nghiệm làm việc bổ ích”.
Không chỉ sinh viên, mà ngay cả các phụ huynh cũng có những quan điểm đáng chú ý về việc làm thêm của các bạn trẻ. Một phụ huynh chia sẻ “Tôi khuyến khích các bạn sinh viên nên đi làm thêm sau giờ học. Bản thân tôi cũng đã từng là sinh viên và đã đi làm thêm, qua đó tôi học được nhiều bài học thực tế”.
Đây là quan điểm phổ biến của nhiều phụ huynh, khi họ mong muốn con cái mình có thể trưởng thành hơn, cứng cáp hơn khi bước vào cuộc sống thực tế. Việc học trên giảng đường chỉ là một phần, và nếu các bạn được trải nghiệm và va chạm với thế giới bên ngoài, chắc chắn sẽ giúp các em phát triển tốt hơn.
Tuy nhiên, như chị Thu Hồng đã chia sẻ “Nói chi đâu xa, tôi có quen một người cháu, vừa tan học là phóng vút xe chạy tới chỗ làm cơm nước không kịp ăn vì ca làm sát giờ tan học, có ngày mua cơm ngang dọc đường lên chỗ làm ăn có ngày đành bụng nhịn đói mà tuần nào cũng lặp đi lặp lại như thế, dần dần độ khoảng hai tuần bạn tụt ký nhìn gầy xanh xao thấy rõ, lên lớp mất tập trung vì thiếu ngủ”.
Ý kiến này cho thấy rằng việc làm thêm rất quan trọng, nhưng nếu không biết cân bằng giữa công việc và việc học, sức khỏe của sinh viên có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, điều quan trọng là các bạn phải biết cách sắp xếp thời gian hợp lý, không để công việc làm thêm chiếm quá nhiều, làm ảnh hưởng đến học tập và sức khỏe.
Và với cựu sinh viên như chị Tuyết Ngân cũng đã bình luận chia sẻ “Tôi cũng nghĩ khi sinh viên làm thêm cũng là con dao hai lưỡi nếu sinh viên đó không biết cách cân bằng giữa thời gian cho việc học và việc làm hợp lý. Tôi cũng từng đi làm thêm khi đang là sinh viên năm nhất đại học. Lúc đó tôi lựa chọn công việc có thời gian làm là 8 tiếng, và lịch học ngày càng dày đặc nên tôi đã bị kiệt sức và còn sa sút trong việc học. Vì để có thêm thu nhập, đỡ gánh nặng kinh tế cho gia đình và phải đảm bảo được việc học nên tôi lựa chọn làm công việc khác, 4 tiếng/ngày. Thời gian đầu khi vừa thay đổi công việc, tôi thấy khó khăn trong việc quản lý chi tiêu, nhưng để đảm bảo sức khoẻ và việc học, tôi đã cố gắng và dần tôi cũng làm quen được. Hiện tại tôi đã cân bằng được giữa thời gian theo đuổi ngành học tôi mơ ước , ngoài ra tôi còn có thêm kinh nghiệm trong việc quản lý thời gian cũng như chi phí sinh hoạt của bản thân”.
Việc làm thêm có thể là một cơ hội tuyệt vời để sinh viên học hỏi, trau dồi kỹ năng và giảm bớt gánh nặng tài chính. Tuy nhiên, nếu không biết cân bằng đúng cách, công việc này có thể ảnh hưởng xấu đến việc học và sức khỏe. Điều quan trọng là sinh viên cần phải quản lý thời gian thật hiệu quả, luôn đặt việc học lên hàng đầu trước khi nhận thêm công việc làm thêm. Nên chọn những công việc linh hoạt, không quá căng thẳng và phù hợp với lịch học của mình. Đồng thời, đừng quên dành thời gian cho các hoạt động thư giãn, thể dục thể thao để giữ gìn sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
Cả việc học và làm thêm đều cần có sự linh hoạt. Nếu công việc bắt đầu ảnh hưởng đến kết quả học tập, sinh viên cần phải biết điều chỉnh lại lịch trình của mình. Chỉ khi có sự cân bằng giữa học tập và công việc, sinh viên mới có thể phát triển cả về kiến thức và kỹ năng sống, đồng thời chuẩn bị tốt cho tương lai mà không bị stress hay cảm thấy quá tải.
Thảoo HH (tổng hợp)