Đề xuất mô hình xây dựng và vận hành Living Lab Trường Thọ thúc đẩy phát triển khu đô thị sáng tạo – tương tác cao phía Đông TP.HCM

Living Lab Trường Thọ sẽ hỗ trợ ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của khu đô thị, hỗ trợ định hướng chiến lược nghiên cứu và phát triển các dự án giải quyết vấn đề của đô thị thông minh, kêu gọi sự hợp tác nghiên cứu (kết hợp 4P), gắn liền với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở tại TP.HCM nói chung và thành phố Thủ Đức nói riêng.

Là địa phương năng động, có tốc độ đô thị hóa cao nên TP.HCM đồng thời phát sinh nhiều vấn đề, thách thức như ô nhiễm môi trường, ngập nước, ùn tắc giao thông và nhu cầu an sinh xã hội lớn… Để giải quyết những vấn đề mang tính thách thức này, thực tế đòi hỏi sự tồn tại của một môi trường mà tại đó người dân, chính quyền và các bên liên quan có thể trực tiếp đưa ra các ý tưởng sáng tạo, và sau đó thử nghiệm, đánh giá ý tưởng đó bởi chính họ. Hay nói cụ thể hơn, chính quyền và người dân sẽ cùng tương tác, điều chỉnh hành vi để cùng hướng đến một mục tiêu phát triển khu vực có môi trường sống tốt, mức độ an sinh xã hội cao.

Được biết, nhiều thành phố trên thế giới đã xây dựng và phát triển các Living Lab nhằm thực thi các ý tưởng giải quyết vấn đề của đô thị. Không gian Living Lab mang đến cơ hội cho chính quyền, doanh nghiệp, và người dân có cơ hội tham gia thử nghiệm và triển khai các ý tưởng mang lại cuộc sống chất lượng hơn cho chính cư dân đô thị.

Đối với khu đô thị Trường Thọ (thành phố Thủ Đức, TP.HCM), mục tiêu phát triển Living Lab tại Trường Thọ không chỉ để thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ, tạo kết nối liên ngành 4P (Public – Khu vực công, Institute Partner – Khối các tổ chức nghiên cứu, đại học, Private – Khối tư nhân, People – Cộng đồng dân cư), mà còn hướng đến tạo điều kiện cho việc đồng sáng tạo và thương mại hóa các ý tưởng mới nhằm giải quyết các vấn đề sẵn có của quá trình đô thị hóa (đưa ra được ý kiến thống nhất để tích hợp vào các giải pháp, các sản phẩm, dịch vụ trong môi trường thực tế), hướng tới chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững. Ngoài ra, việc hình thành Living Lab tại Trường Thọ cũng phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố Thủ Đức vì gắn liền với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, góp phần thúc đẩy thành phố Thủ Đức trở thành trung tâm kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, tài chính quan trọng của TP.HCM và cả nước.

Trịnh Tú Anh – chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học – công nghệ “Nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình Living Lab cho Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố” cho biết, Living Lab Trường Thọ là mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển khu đô thị tương tác cao phía Đông của TP.HCM và cả thành phố Thủ Đức, có thể kêu gọi sự hợp tác nghiên cứu và thu hút khu vực công, các công ty/tập đoàn tư nhân và viện/trường nghiên cứu tại khu đô thị tương tác cao khu vực phía Đông cùng tham gia xây dựng, triển khai và duy trì hoạt động. Người dân sinh sống tại khu đô thị Trường Thọ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ các giải pháp mới được thử nghiệm và triển khai thông qua hoạt động của các Living Lab.

(theo DOST)

CATEGORIES
TAGS
Share This

BÌNH LUẬN

Wordpress (0)
Disqus (0 )