
Tọa đàm Tham vấn về Chương trình đào tạo giảng viên và cơ chế thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng
Chiều ngày 2/4/2025, tại Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM (SIHUB), đã diễn ra Tọa đàm với chủ đề Tham vấn về Chương trình đào tạo giảng viên và cơ chế thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng.
Toạ đàm do Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Cục ĐCK) – Bộ Công Thương phối hợp cùng Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) và Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM tổ chức. Sự kiện là một trong những hoạt động của dự án “Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng” (AIS4EE), do Liên minh châu Âu tài trợ.
Tọa đàm được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự đồng chủ trì của ông Quách Quang Đông – Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, Bộ Công Thương; bà Anastasia Oikonomou – Quản lý chương trình đến từ Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU); bà Maria Cecilia Paña – Phó Trưởng đại diện Quốc gia GGGI tại Việt Nam cùng nhiều đại diện đến từ các cơ quan, ban, ngành liên quan, các viện – hội – trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ, các trường đại học, đơn vị đào tạo, các doanh nghiệp và các đơn vị tư vấn trong lĩnh vực khởi nghiệp và hiệu quả năng lượng.
Buổi tọa đàm tập trung tham vấn 2 nội dung trọng tâm là: Chương trình đào tạo giảng viên về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và cập nhật các phương pháp tiếp cận hiệu quả, phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam; Xây dựng cơ chế và chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, đại diện Cục ĐCK – Bộ Công Thương, đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam, đại diện GGGI đều nhận định hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, tối ưu hóa chi phí mà còn góp phần tiết kiệm năng lượng, hướng tới phát triển bền vững.
Tại sự kiện, các nhà hoạch định chính sách và đại diện doanh nghiệp đã thảo luận, phân tích những thách thức, cơ hội, đồng thời đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Đối với chương trình đào tạo giảng viên, các nội dung được thảo luận bao gồm tiêu chí lựa chọn giảng viên tham gia thụ hưởng chương trình đào tạo từ dự án, khung chương trình giảng dạy và lựa chọn phương pháp giảng dạy tiên tiến, phù hợp.
Về cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng sẽ tập trung trao đổi về các chính sách hiện hành và đề xuất điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, và các doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng trong việc thực hiện các mục tiêu về hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả triển khai.
Kết quả từ Tọa đàm sẽ là cơ sở quan trọng để hoàn thiện nội dung Chương trình đào tạo giảng viên và các góp ý, đề xuất về cơ chế chính sách thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng sẽ góp phần quan trọng để nâng cao hiệu quả triển khai Dự án AIS4EE. Những kết quả này, sẽ đóng góp tích cực vào việc thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, với mục tiêu tiết kiệm từ 8 – 10% tổng lượng năng lượng tiêu thụ của cả nước, cũng như các mục tiêu về khí hậu mà Việt Nam đã tham gia.